- Trang chủ >
- Lĩnh vực hoạt động >
- Thương Mại >
- Nông Sản >
- GẠO
Bài viết liên quan
Lĩnh vực hoạt động
GẠO
Gạo xuất khấu của Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thấp. Ảnh: Quý Hòa
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cách mạng công nghệ 4.0, ngành lúa gạo Việt Nam cần thay đổi chiến lược để hướng đến một tương lai bền vững hơn. Hội nghị Lúa gạo Toàn cầu lần thứ 5 được tổ chức tại Singapore mới đây, với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới, một lần nữa buộc ngành lúa gạo thế giới nói chung và ngành lúa gạo Việt Nam nói riêng một lần nữa phải đối mặt với bài toán bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng.
Thách thức của hạt gạo
Việt Nam là một quốc gia nhận được nhiều ưu ái về sản xuất lúa gạo. Diện tích trồng lúa chiếm 82% diện tích canh tác trên toàn quốc, duy trì ở mức trên 7 triệu ha trong 10 năm qua. Khoảng 52% sản lượng lúa của Việt Nam được trồng tại đồng bằng sông Cửu Long và 18% tại đồng bằng sông Hồng. Trên 15 triệu hộ nông dân trồng lúa ở hai đồng bằng này nhưng số hộ có thể sinh sống nhờ nghề lúa lại đang giảm sút.
Một trong nhiều nguyên nhân chính là cây lúa không mang lại thu nhập cao. Tại tỉnh An Giang, nơi diện tích trồng lúa cao nhất nước, thu nhập bình quân của hộ trồng lúa là 2,3 triệu đồng/tháng, chỉ bằng khoảng 1/5 số tiền người trồng cà phê ở vùng Tây Nguyên.Từ năm 1993, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn trên thị trường thế giới, sản xuất gạo đạt 28 triệu tấn vào năm 2016. Tăng trưởng trong quá khứ dựa trên loại gạo năng suất cao nhưng chất lượng thấp, giá thấp và dựa trên những hợp đồng giữa các chính phủ phục vụ cho thị trường Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông. Cùng với chi phí sản xuất thấp, chiến lược này đã giúp Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Mặc dù tăng trưởng liên tục trong nhiều năm, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Khi thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam tăng lên, nhu cầu đối với lúa gạo chất lượng cao ngày càng tăng. Gạo hữu cơ, gạo sạch, gạo an toàn là những lĩnh vực mới thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng Việt Nam vì mối quan ngại sâu sắc đến an toàn thực phẩm.
Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Lúa gạo Việt Nam cũng rất khó truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp gạo phụ thuộc lớn vào hệ thống thu mua gạo thông qua thương lái nên không dễ truy xuất nguồn gốc của lúa gạo và làm giảm chất lượng gạo. Nhiều nhà máy xay xát và nhà xuất khẩu ký hợp đồng trực tiếp với tổ chức nông dân, đặc biệt những loại gạo chất lượng cao cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, những hợp đồng này chủ yếu làm lợi cho nhà xay xát và nhà xuất khẩu.Trong khi đó, lúa gạo Việt có chất lượng thấp và không đồng đều. Chất lượng gạo Việt trên thị trường xuất khẩu thấp hơn so với những nước trong khu vực Mê Kông. Các giống lúa ở Việt Nam thường là loại chất lượng thấp hoặc trung bình so với giống của các đối thủ khác chuyên về gạo thơm. Gạo Việt xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng, phân khúc thấp nhất của thị trường, dễ dàng thâm nhập vào các quốc gia có thu nhập thấp. Tuy nhiên, vì nổi tiếng trong việc bán gạo chất lượng thấp và thiếu một thương hiệu quốc gia nên giá mua lúa từ nông dân và giá xuất khẩu gạo tiếp tục thấp.
Hơn nữa, sản xuất lúa ở Việt Nam chủ yếu dựa vào hộ sản xuất quy mô nhỏ, với diện tích canh tác chỉ bằng 1/4 đến 1/6 diện tích lý tưởng. Với xu hướng thâm canh đi đôi với việc sử dụng nhiều vật tư đầu vào và thuốc bảo vệ thực vật, thiếu kiến thức cần thiết để sản xuất gạo chất lượng cao, những nông hộ sản xuất quy mô nhỏ đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu chất lượng ngày càng tăng của thị trường. Với quy mô nhỏ và thiếu tổ chức, họ cũng có ít tiếng nói trong việc thương lượng và là thành phần dễ tổn thương nhất trong chuỗi giá trị. Nông dân tự tổ chức thành những nhóm nông dân như tổ hợp tác, hợp tác xã để có cơ hội tăng thu nhập từ sản xuất lúa. Tuy nhiên, ngay cả tổ chức nông dân cũng đang phải vật lộn để thỏa mãn nhu cầu của thị trường gạo chất lượng do mối liên kết kém với những tác nhân tư nhân, thiếu thông tin về thị trường và thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý của tổ chức.
Cơ hội cho một ngành lúa gạo bền vững
Nỗi lo ngày càng tăng là ngành lúa gạo Việt Nam đang bị tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, vào năm 2016, ước tính 1,29 triệu tấn gạo bị thiệt hại vì đợt hạn hán lớn nhất nước trong vòng 90 năm. Ít nhất 221.000ha cánh đồng lúa bị hạn hán và ngập mặn và sinh kế của gần 2 triệu hộ nông dân nhỏ và hộ nghèo bị tác động, đặc biệt tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với những thách thức nói trên, nhiều cơ hội đã xuất hiện trong các năm gần đây để tăng tính bền vững cho ngành gạo Việt. Nhu cầu về gạo chất lượng cao ngày càng tăng tạo cơ hội cho các nông hộ nhỏ tham gia thị trường tiềm năng này và có thu nhập tốt hơn từ lúa gạo.Tập quán canh tác lúa hiện tại ở Việt Nam sử dụng nhiều phương pháp gây thiệt hại cho môi trường và con người. Đất tại những vùng trồng lúa rất nghèo chất dinh dưỡng, khiến cho việc chuyển đổi qua giống cây trồng khác ngay lập tức, hoặc chuyển sang sản xuất sạch, an toàn và hữu cơ là chuyện bất khả thi. Ruộng lúa là tác nhân chính sản xuất khí metan, một loại khí nhà kính đóng góp vào biến đổi khí hậu. Các công nghệ và tập quán thân thiện với môi trường đều có sẵn nhưng vẫn rất hạn chế, cho dù ngành có những bước dịch chuyển về hướng sản xuất bền vững trong thời gian gần đây.
Chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo của Chính phủ từ năm 2016 tập trung vào chuyển hướng từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng. Đi kèm với chiến lược này là những hỗ trợ về thể chế nhằm thúc đẩy sự chuyển hướng trong ngành gạo.
Trên thế giới, Diễn đàn Lúa gạo Bền vững (SRP) được thành lập vào năm 2011 bởi Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI). Diễn đàn đang xây dựng để thông qua một tiêu chuẩn mới cho sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), tiêu chuẩn được xác lập riêng cho gạo, thỏa mãn tất cả 3 yếu tố chính cho tính bền vững trong nông nghiệp về kinh tế, môi trường và xã hội. SRP cung cấp một khung quy chuẩn và các chỉ số hiệu suất SRP dành cho đánh giá định lượng.
Áp dụng các tiêu chí sản xuất bền vững, nông dân có cơ hội tăng thu nhập khi giảm chi phí đầu vào nhờ giảm thuốc bảo vệ thực vật và tăng giá bán khi trồng lúa chất lượng cao hơn. Doanh nghiệp có nguồn hàng đảm bảo chất lượng để cung ứng ra thị trường. Trong lúc đó, các tiêu chí sản xuất bền vững giúp nông dân sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất, nước, đồng thời bảo vệ môi trường tự nhiên trước các tác nhân gây hại như sâu bệnh bằng cách hợp tác sản xuất trên một diện tích rộng. Việc sản xuất được tính đến trong điều kiện khí hậu thay đổi và giảm thiểu thải khí nhà kính. Cuối cùng, chính người lao động và cộng đồng xung quanh được bảo vệ và đảm bảo quyền lợi. Hiện tại, SRP vẫn trong giai đoạn thí điểm tại các vùng trọng điểm về lúa gạo như Mỹ, Úc, Brazil, Nigeria, Pakistan, Ấn độ, Sri Lanka, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và các tiêu chí cần thiết và phù hợp cho tiêu chuẩn này vẫn đang được cập nhật.
Việc thuyết phục các bên tham gia trong chuỗi, đặc biệt là nông dân thay đổi tập quán canh tác và doanh nghiệp cam kết kinh doanh liêm chính và minh bạch cần nhiều thời gian và nỗ lực. Việc tạo ra thị trường cho lúa gạo bền vững đòi hỏi hoạt động một cách hiệu quả của các bên liên quan, đặc biệt là Diễn đàn Lúa gạo bền vững. Tuy chặng đường đi đến đích còn dài, nhưng SRP là một cơ hội và phương tiện để đi đến tương lai bền vững.
Hội nghị Lúa gạo Toàn cầu lần thứ 5 tổ chức tại Singapore với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 15-17.10.2018 với hơn 50 chủ đề khoa học và sự kiện bên lề được tổ chức. Hội nghị nhìn nhận rằng ngành lúa gạo toàn cầu đang có những thay đổi lớn về cấu trúc và thể chế, thị trường và thương mại, cách mạng công nghệ 4.0, quan hệ chính trị, hệ sinh thái và biến đổi khí hậu.
Với những dịch chuyển như vậy, phát triển lúa gạo bền vững là hướng đi thiết yếu, yêu cầu cách nhìn nhận về phát triển từ hệ thống thực phẩm và cách tiếp cận đa chiều. Nó cũng yêu cầu những đổi mới mang tính đột phá, không đơn thuần là giải pháp cộng nghệ mà phải bao hàm cả các khía cạnh liên quan đến xã hội và thể chế.
Đại diện từ Diễn đàn Lúa gạo Bền vững đã chia sẻ trong phần tham luận của mình là thử nghiệm áp dụng tiêu chuẩn SRP đã mang lại kết quả khả quan: giảm 20% lượng nước, 50% phát thải khí nhà kính và tăng 10% thu nhập của người trồng lúa. Tiêu chuẩn SRP vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện và phiên bản 2 sẽ được chính thức ra mắt vào tháng 1.2019.
Nguồn: ST