Phân khúc BĐS nào là điểm sáng thời kì hậu Covid-19?
Tại tọa đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về thị trường sau dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì những khó khăn của thị trường ở thời điểm hiện tại khác với những khó khăn mà thị trường phải đối mặt của 10 năm trước. Cuộc khủng hoảng bất động sản 10 năm trước có căn nguyên là sự dư thừa nguồn cung, trong khi thị trường hiện tại lại đang thiếu nguồn hàng do động thái kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng về việc cấp phép và siết tín dụng bất động sản.
Ông Hà nhấn mạnh bất động sản nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu. Dù Covid-19 là một cú bồi khiến thị trường thêm khó khăn nhưng nhu cầu mua ở thực vẫn luôn hiện hữu và thường trực, vấn đề chỉ là có sản phẩm phù hợp hay không. Trong phát triển sản phẩm nhà ở, cần suy tính đến nhu cầu tương lai với xu hướng nâng cao chất lượng như phát triển nhà thông minh, công trình xanh.
Bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường trong những năm tới. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường trong những năm tới. Đón sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư, cộng hưởng với hàng loạt lợi thế như quỹ đất dồi dào, giá nhân công rẻ, chính sách ưu đãi của từng địa phương, phân khúc này chắc chắn sẽ bùng nổ. Ông Hà nhấn mạnh, điều quan trọng, doanh nghiệp, doanh nhân không nên phụ thuộc thị trường mà phải đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Đồng quan điểm, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng bà vẫn lạc quan với thị trường trong tương lai. Bất động sản nhà ở, bất động sản văn phòng và bất động công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường do xu hướng dịch chuyển sản xuất. Trong những phân khúc trên, bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng nhất do đón làn sóng dịch chuyển, đón xu thế tái cấu trúc, Trung Quốc +1. Tuy nhiên, để bất động sản công nghiệp trở thành điểm sáng thực sự thì vấn đề không chỉ nằm ở ưu đãi thuế, giảm giá đất mà phải là sự kết nối hạ tầng, sự phát triển của logistic, công nghệ phụ trợ.
Bày tỏ quan điểm về xu hướng thị trường trong tương lai, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng trong ngắn hạn thì hết năm nay có thể thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Hiện thị trường đang có nhiều kênh đầu tư tốt hơn và người dân vẫn có tâm lý chờ bất động sản xuống giá. Về dài hạn, bất động sản sẽ vẫn là kênh đầu tư tiềm năng do dân số trẻ, nhu cầu nhà ở lớn và mức sống của người dân ngày càng một nâng cao.
Nhận định về bất động sản công nghiệp, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC cho rằng nhiều chuyên gia đang lạc quan về tiềm năng lớn của bất động sản công nghiệp khi làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc đổ về các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ông Quyết cảnh báo xu hướng phong trào, nhà nhà đua nhau làm bất động sản công nghiệp là rất nguy hiểm. Bất động sản công nghiệp không đơn thuần chỉ là khu công nghiệp với nhà máy, công xưởng… mà cần phải được phát triển như một quần thể trong đó có nhà ở cho công nhân. “Tôi không quá lạc quan vào bất động sản công nghiệp”, người đứng đầu tập đoàn FLC chia sẻ.
Dù không lạc quan vào bất động sản công nghiệp nhưng ông Quyết bày tỏ sự lạc quan về thị trường. Ông cho biết FLC đã có khoảng thời gian dài đồng hành cùng thị trường bất động sản Việt Nam, đã đi cùng và vượt qua những giai đoạn khủng hoảng như 2008, 2013 với kết quả tích cực. Do đó, với Covid-19, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn tin tưởng vào sự hồi phục và phát triển của thị trường trong thời gian tới. Ông nhận định đây là thời điểm vàng để xuống tiền mua bất động sản, cả với những người tích lũy ít đến đầu tư lớn.
An An